Phát triển Avalonia

Sự phát triển thời kỳ đầu của Avalonia được coi là trong các vòng cung núi lửa gần đới ẩn chìm trên rìa của Gondwana[1]. Một số vật chất có thể đã bồi tích từ các vòng cung đảo núi lửa đã hình thành xa ngoài đại dương và sau đó va chạm với Gondwana nhờ các chuyển động kiến tạo địa tầng. Hoạt động núi lửa đã bắt đầu khoảng 730 triệu năm trước (Ma) và tiếp diễn tới khoảng 570 Ma, vào cuối đại Tân Nguyên Sinh[2].

Vào đầu kỷ Cambri, siêu lục địa Pannotia vỡ ra và Avalonia trôi dạt theo hướng bắc ra khỏi Gondwana. Giữa chúng mở ra đại dương gọi là đại dương Rheic. Phía bắc của Avalonia khi đó là phần phía tây của đại dương Iapetus còn phía đông của nó là đại dương Tornquist, chia tách nó với Baltica, một tiểu lục địa khác. Chuyển động độc lập này của Avalonia bắt đầu từ vĩ độ khoảng 60° vĩ nam. Đầu phía đông của Avalonia va chạm với Baltica, khi đó nằm ở các vĩ độ khoảng 30° tới 55° vĩ nam, do nó tự quay chậm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ về phía Avalonia. Điều này xảy ra vào cuối kỷ Ordovic và trong đầu kỷ Silur, khép lại đại dương Tornquist.

Vào cuối kỷ Silur và đầu kỷ Devon, tổ hợp gồm Baltica và Avalonia dần dần va chạm với Laurentia, bắt đầu từ điểm xa nhất theo chiều dài của Avalonia mà hiện nay đang gắn với Bắc Mỹ. Kết quả của sự va chạm này là sự hình thành nên một lục địa mới gọi là Euramerica (Laurussia) và khép lại đại dương Iapetus. Khi hoàn tất giai đoạn này thì vùng thuộc Vương quốc Anh ngày nay nằm ở vĩ độ khoảng 30° vĩ nam và vùng là Nova Scotia ngày nay thì ở khoảng 45° vĩ nam. Sự va chạm này được biết đến nhờ nếp gập Caledonia hay ở Bắc Mỹ thì là pha sớm của kiến tạo sơn Acadia.

Trong kỷ Permi, lục địa mới và một địa thể khác; địa thể Armorica, trong đó bao gồm cả Iberia, đã trôi dạt tới từ Gondwana; giữ Avalonia nằm giữa nó và lục địa vì thế mà bổ sung thêm Iberia/Armorica vào Euramerica. Sau đó là sự di chuyển tới của chính Gondwana. Các hiệu ứng từ những va chạm này được ghi nhận tại châu Âu như là nếp gập Variscia. Tại Bắc Mỹ nó thể hiện như là pha muộn của kiến tạo sơn Acadia. Điều này xảy ra ở gần đường xích đạo trong cuối kỷ Than đá để tạo ra Pangaea theo cách thức mà Avalonia nằm gần trung tâm của Pangea nhưng bị ngập lụt một phần bởi một biển nông.

Trong kỷ Jura, Pangaea chia tách thành Laurasia và Gondwana, với Avalonia là một phần của Laurasia. Trong kỷ Creta, Laurasia vỡ ra thành hai phần là Bắc Mỹlục địa Á-Âu, với Avalonia bị chia tách giữa chúng. Đại Tây Dương xuất hiện.

Iberia sau đó lại bị xoay một lần nữa khi phần châu Phi của Gondwana lướt qua. Chuyển động cuối cùng này gây ra kiến tạo sơn Alps, bao gồm sự nâng lên của dãy núi Pyrénées trong thế Miocenthế Pliocen. Do kết quả của điều này, phần của Avalonia ở lục địa Á-Âu hiện nay được tìm thấy trên cả hai phía của eo biển Gibraltar.

Bản đồ này chỉ ra các vị trí của các khối đá thuộc Avalonia còn tồn lại ở châu Âu. Các ghi chú trên đó chỉ ra phần va chạm với Baltica ở Hậu Ordovic và phần va chạm với Laurentia trong kỷ Silur. Các phần của Avalonia mà hiện nay là Iberia và Maroc được mang tới đây do sự tự quay của Iberia trong va chạm sau đó với Gondwana tiếp theo là sự chia tách. Các lớp đá này tất cả đều ở trên bề mặt ngày nay.